Lược sử phát triển
Ngược dòng thời gian, trở về với năm 1997, thời điểm phiên bản đầu tiên, Visual Studio được chia ra các bản IDE (Integrated Development Environment – môi trường phát triển tích hợp) nhỏ bao gồm Visual C++, Visual Basic, Visual J++ và một công cụ có tên InterDev.
Năm 2002 và 2003, Microsoft trình làng cặp sản phẩm mang tính đột phá Visual Studio .NET 2002 và Visual Studio .NET 2003 cùng với .Net Framework. Đây là một IDE đa năng, bạn có thể viết ứng dụng bằng bất cứ ngôn ngữ gì, từ C++, Visual Basic cho dến J++ hay C#; chỉ cần duy nhất một IDE là bạn sẽ làm chủ tất cả, từ thiết kế giao diện cho tới soạn thảo mã lệnh, tất cả đều thật dễ dàng.
Ba năm sau, Visual Studio 2005 ra đời, nó giúp cho nhà phát triển làm việc nhóm dễ dàng và hiệu quả, cũng như giúp họ giảm bớt công sức và thời gian trong quá trình phát triển.
Được cho là tốt hơn tất cả phiên bản trước đây, Visual Studio 2008 đã sẵn sàng ra mắt.
Tốc độ
Với mỗi phiên bản, Microsoft luôn cố gắng cải thiện Visual Studio để sao cho bạn luôn đạt được hiệu suất làm việc ngày càng cao hơn.
Truy xuất dữ liệu
Có thể nói những thay đổi về truy xuất dữ liệu trong Visual Studio 2008 là một cuộc cách mạng. Ở phiên bản này Microsoft giới thiệu LINQ (Language Integrated Query – Ngôn ngữ truy vấn tích hợp) giúp nhà phát triển có thể tương tác với dữ liệu dựa trên một mô hình hoàn toàn mới với rất nhiều hỗ trợ cho hai ngôn ngữ C# và Visual Basic. Xử lý dữ liệu luôn là trở ngại chính mà các nhà phát triển thường phải đối mặt, đặc biệt là quá trình làm việc với những dữ liệu mang tính trao đổi cao như XML (eXtensible Markup Language - Ngôn ngữ đánh dấu mở rộng). Nhưng với LINQ, mọi thứ dường như được giải tỏa, bởi như tên gọi của nó, LINQ được tích hợp vào ngay bản thân ngôn ngữ lập trình.
Thiết kế giao diện nhanh, hiệu quả
Với Visual Studio 2008, chỉ với một IDE duy nhất, chúng ta có thể làm việc được với tất cả các phiên bản của .Net Framework từ phiên bản mới nhất 3.5 đến phiên cũ hơn 3.0 hay thậm chí là 2.0. Đặc biệt Windows Form designer của Visual Studio 2008 được tích hợp chặt chẽ với WPF (Windows Presentation Foundation), giúp nhà phát triển có được một giao diện thật bắt mắt nhưng lại chẳng tốn nhiều thời gian, công sức.
Không chỉ có vậy, chúng ta có thể sử dụng bộ công cụ thiết kế giao diện hàng đầu của Microsoft là Microsoft Expression Suite để quản lý bố cục, các control cũng như việc gắn kết dữ liệu. MES được thiết kế giúp cho việc chuyên biệt hóa thiết kế, giờ đây dữ liệu giữa Visual Studio 2008 và Expression có thể chia sẻ với nhau một cách dễ dàng, nhà thiết kế và nhà phát triển có thể dễ dàng cộng tác với nhau hơn.
Nền tảng mới, hỗ trợ mới
Sinh sau đẻ muộn, Visual Studio 2008 hỗ trợ toàn bộ các nền tảng lớn của Microsoft như Microsoft Office 2007, Microsoft Windows Vista, Microsoft SQL Server 2008 và Microsoft Windows Server 2008.
Vắt kiệt Microsoft Office
Tích hợp chặt chẽ với Microsoft Office thông qua bộ công cụ Visual Studio Tools for Office (VSTO), nhà phát triển có thể tận dung toàn bộ ưu thế, năng lực tính toán, xử lý và kết xuất dữ liệu của Microsoft Office để cho ra đời một sản phẩm đặc thù của riêng mình. Theo một số nhận định, VSTO là nhịp cầu nối hoàn hảo giữa Office và Visual Studio.
Hỗ trợ Vista từ trong ra ngoài
Không chỉ là hỗ trợ về mảng thiết kế giao diện trực quan thông qua Windows Form Designer, Visual Studio 2008 còn hỗ trợ nhà phát triển can thiệp sâu vào XAML để xây dựng giao diện cho các ứng dụng dựa trên nền WPF. Ngoài ra, theo Microsoft thì Visual Studio 2008 hỗ trợ tới trên 8000 API (Application Programming Interface) dành riêng cho Vista. Thậm chí Visual Studio 2008 còn hỗ trợ cả WF (Windows Workflow Foundation) giúp nhà phát triển dễ dàng hơn khi triển khai ứng dụng, có thể không cần viết một dòng mã nào.
Cộng tác
Với Visual Studio Team System 2008, nhóm phát triển có được những hỗ trợ đặc biệt từ các tính năng mới, có thể quản lý được chất lượng của sản phẩm ở mọi khâu trong quá trình phát triển.
Mở rộng nhóm
Như đã nói, về khả năng cộng tác, Visual Studio Team System 2008 tốt hơn bao giờ hết. Toàn bộ nhóm phát triển có thể làm việc “cùng nhau” một cách thực thụ.
Chuyên viên phân tích cơ sở dữ liệu có thể tạo riêng ra các project CSDL rồi tích hợp chúng vào hệ thống quản lý phiên bản của Team Foundation Server (Team Foundation Server’s version control), kiểm tra thử các Stored procedure, sinh ra dữ liệu thử nghiệm,...
Trong khi đó nhà thiết kế giao diện có thể tung hoành với bộ công cụ Microsoft Expression Studio để tạo ra những giao diện bắt mắt nhất với hiệu năng cao nhất. Và nhà phát triển có thể sử dụng ngay Visual Studio để soạn thảo code.
Nhắm tới chất lượng
Càng ngày mức độ phức tạp của các ứng dụng càng được nâng cao tuy nhiên chất lượng của sản phẩm vẫn cần được đảm bảo. Với Visual Studio 2008 nhà phát triển có thể đảm bảo được cả tiến độ công việc cũng như chất lượng, có thể triển khai Unit test một cách dễ dàng thông qua công cụ dòng lệnh được tích hợp với IDE.
Nhìn nhận
Tổng quan, Visual Studio 2008 được xây dựng dựa trên bộ ba trụ cột chính:
• Cải thiện hiệu năng sản phẩm
• Hỗ trợ quản lý vòng đời ứng dụng
• Sử dụng công nghệ mới
Visual Studio 2008 đem tới cho nhà phát triển, nhóm phát triển những hỗ trợ chuyên biệt như:
• Hỗ trợ phát triển cho thiết bị thông minh
• Xây dựng các ứng dụng dựa trên nền Microsoft Office
• Xây dựng ứng dụng tương thích Windows Vista
• Nâng cao hiệu suất xử lý dữ liệu
• Đem đến những trải nghiệm mới về web
• Nâng cao hỗ trợ cho nhà phát triên
• Hỗ trợ quản lý vòng đời ứng dụng chi tiết
Trải nghiệm
Tính tới thời điểm này, Visual Studio 2008 Beta 2 bao gồm các phiên bản sau:
• Visual Studio 2008 Beta 2 Express Editions
Chia ra các gói nhỏ cho mỗi IDE (VB, VC#,VC++, VWD), mỗi gói xấp xỉ 450 MB
• Visual Studio 2008 Beta 2 Standard Edition (722 MB)
• Visual Studio 2008 Beta 2 Professional Edition (3,1 GB)
• Visual Studio Team System 2008 Beta 2 Team Suite (3,2 GB)
• Visual Studio Team System 2008 Beta 2 Team Foundation Server (1,4 GB)
• Visual Studio Team System 2008 Beta 2 Test Load Agent (232 MB)
kèm với
• MSDN Library for Visual Studio 2008 Beta 2 (1,9 GB)
Chúng được đóng gói dưới dạng file ảnh “.img”, bạn cần ghi ra đĩa CD/DVD để cài đặt hoặc mount trực tiếp file ảnh để cài. Tải xuống dùng thử tại http://msdn2.microsoft.com/en-us/vstudio/aa700831.aspx.
Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng Virtual PC để thử nghiệm Visual Studio 2008, Microsoft có cung cấp Virtual PC cài sẵn Visual Studio 2008 (có thể tải ở địa chỉ trên) gồm 2 file ảnh:
• Visual Studio Team System 2008 Beta 2 Team Suite (4,6 GB)
• Visual Studio Team System 2008 Beta 2 Team Suite & Team Foundation Server (5.6 GB)
Chúc bạn có những trải nghiệm thú vị với phiên bản mới của bộ Visual Studio, và đừng quên đóng góp ý kiến cho Microsoft để họ có thể hoàn thiện Visual Studio 2008 trước khi nó chính thức ra mắt.
No comments:
Post a Comment